LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ Ý NGHĨA SỰ RA ĐỜI CỦA TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM

          Tổ chức Công đoàn Việt Nam ra đời đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với quá trình đấu tranh, phát triển của phong trào công nhân Việt Nam, là hạt nhân vận động, tập hợp giai cấp công nhân đi dưới ngọn cờ đấu tranh cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tổ chức Công đoàn Việt Nam đã có những đóng góp to lớn trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng giai cấp, trong công cuộc xây dựng và phát triển đât nước.

     Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ thiên tài của giai cấp Công nhân và Công đoàn Việt Nam

* Lịch sử hình thành

            Cuối năm 1924 đầu năm 1925, tại Quảng Châu – Trung Quốc, đồng chí Nguyễn Ái Quốc, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam, người đặt cơ sở lý luận cho Công đoàn Việt Nam đã đề ra tôn chỉ, mục đích hoạt động của Công hội, đào tạo các cán bộ ưu tú trong tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội mà nòng cốt là Cộng sản Đoàn. Người cũng đề ra việc “Vô sản hóa” – tức là đi vào các nhà máy, xí nghiệp đồn điền để tuyên truyền, vận động, giáo dục giai cấp công nhân đi vào tổ chức Công Hội.

Đến cuối năm 1928, đầu năm 1929 nhiều tổ chức công hội đỏ được thành lập tại các xí nghiệp và phát triển, dần dần được thống nhất thành công hội đỏ cấp tỉnh và thành phố như Hà Nội, Hài Phòng, Nam Định…

            Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương, ngày 28/7/1929 tại số nhà 15 phố Hàng Nón – Hà Nội đã tiến hành Đại hội Tổng công hội đỏ Bắc kỳ. Đại hội đã bầu ra BCH TW do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh – UVBCH TW lâm thời của Đông Dương cộng sản Đảng đứng đầu. Đại hội đã thông qua chính cương, điều lệ, quyết định ra tờ báo Lao động và Tạp chí Công hội đỏ làm cơ quan ngôn luận và nghiên cứu lý luận của tổ chức Công hội đỏ.

            Việc thành lập công hội đỏ Bắc kỳ có ý nghĩa hết sức to lớn đối với phong trào công nhân nước ta, vừa là thắng lợi của đường lối công vận của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng thời cũng đáp ứng nhu cầu cấp thiết về tổ chức của giai cấp công nhân Việt Nam.

            Tiếp đó các tổng Công hội đỏ ở Trung kỳ và Nam kỳ được thành lập. Đến năm 1930 Tổng Công hội đỏ đã hoạt động rộng khắp cả nước. Trải qua các thời kỳ cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Công đoàn Việt Nam có nhiều tên gọi khác nhau để phù hợp với từng giai đoạn như: Công hội đỏ(1929-1935), Nghiệp đoàn Ái Hữu(1936-1939), Công nhân phản đế(1939-1941), Công nhân cứu quốc(1941-1945), Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (1946-1961), Tổng Công đoàn Việt Nam (1961-1988), Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (1988 đến nay).

            Bộ chính trị ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định lấy ngày 28/7/1929, ngày họp đại hội thành lập tổng Công Hội đỏ đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam, là ngày thành lập Công Đoàn Việt Nam. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V họp tại thủ đô Hà Nội vào tháng 11 năm 1983 đã nhất trí thông qua nghị quyết lấy ngày 28/7/1929 là ngày thành lập Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.

* Ý nghĩa sự ra đời tổ chức Công đoàn Việt Nam

Sự ra đời của Công đoàn cách mạnh Việt Nam có ý nghĩa to lớn, đánh dấu sự lớn mạnh của phong trào công nhân và sự trưởng thành của giai cấp công nhân Việt Nam. Khẳng định luận điểm nổi tiếng của Lênin đó là “Giai cấp công nhân ở bất kỳ nơi nào trên thế giới cũng chỉ phát triển và chỉ có thể phát triển bằng con đường Công đoàn, bằng sự tác động qua lại giữa Công đoàn và Đảng của giai cấp công nhân, chứ không thể bằng con đường nào khác’’.

Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ 12 

Đại hội Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2023-2028

Trong những năm qua, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh; đã vận động, tập hợp đông đảo công nhân, viên chức, lao động dưới ngọn cờ cách mạng do Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo để có những đóng góp to lớn trong thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; tổ chức và vận động công nhân, viên chức, lao động hưởng ứng thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Bước vào thời kỳ thực hiện đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động hội nhập văn hóa, kinh tế thế giới, Công đoàn đã chú trọng đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động; chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý kinh tế, quản lý xã hội; tổ chức các phong trào hành động cách mạng, thi đua yêu nước, với trọng tâm phong trào thi đua “lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phong trào “xanh - sạch - đẹp, an toàn vệ sinh lao động”, “xây dựng đời sống văn hoá cơ sở”, thu hút và tạo động lực mạnh mẽ khơi dậy tiềm năng trí tuệ của đông đảo đoàn viên, người lao động. Qua đó đã khẳng định được vai trò tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, góp phần tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh của đất nước.

Trong suốt chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc 94 năm qua, bằng quá trình hy sinh phấn đấu không mệt mỏi của nhiều thế hệ nối tiếp nhau, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã xây dựng nên truyền thống vô cùng quý báu, đó là bản chất cách mạng, sự thống nhất về chính trị - tư tưởng và hành động, thực sự là sợi dây nối liền giữa Đảng với quần chúng nhân dân, là nòng cốt trong mặt trận đoàn kết dân tộc Việt Nam. Lịch sử đã chứng minh, Công đoàn Việt Nam là tổ chức duy nhất, có đủ bản lĩnh và năng lực đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của giai cấp công nhân và người lao động.

Các hoạt động thiện nguyện của Liên đoàn Lao động Việt Nam

Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc trao tiền xây nhà cho công đoàn viên khó khăn

Đặc biệt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự hỗ trợ, phối hợp của Chính phủ và Quốc hội cũng như các Ban, Bộ, Ngành, các địa phương, các cấp Công đoàn đã khắc phục mọi khó khăn, vượt qua thách thức, xây dựng giai cấp công nhân và Công đoàn ngày càng vững mạnh, xứng đáng là tổ chức đại diện cho người lao động, là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước phát triển nhanh, bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Hoàng Thị Ngọc Lan - Khoa LLCT

DKTS

Cán bộ tư vấn

Mr. Hạnh 0982.790924
Mr. Bình 0989.465017
Mr. Giao 0374.815299
Mr. Bằng 0988.265268
Mr. Hải 0963.892678
Mrs. Thúy 0988.384555
Mr. Thọ 0972 141 081
Mrs. Yến 0982.628428
Mss. Dương 0977.631986
Mss. Phương 0348.671196

Lượt truy cập

1440693

      Trang web hiện có: 87 khách

Liên kết web

banner gdnn  

so lao dongthuong binh va xa hoi tinh vinh phuc 20170715