GIÁO DỤC TRỰC TUYẾN (E-LEARNING)

Giáo dục trực tuyến (E-Learning) là một thuật ngữ thu hút được sự quan tâm, chú ý của rất nhiều người hiện nay. Tuy nhiên, mỗi người hiểu theo một cách khác nhau và dùng trong các ngữ cảnh khác nhau. Do đó, chúng ta sẽ tìm hiểu các khía cạnh khác nhau của E-Learning. Điều này sẽ đặc biệt có ích cho những người mới tham gia tìm hiểu lĩnh vực này.


Có nhiều quan điểm, định nghĩa khác nhau về E-Learning, dưới đây sẽ trích ra một số định nghĩa E-Learning đặc trưng nhất [1]:

- E-Learning là sử dụng các công nghệ Web và Internet trong học tập (William Horton).

- E-Learning là một thuật ngữ dùng để mô tả việc học tập, đào tạo dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông ( Compare Infobase Inc).

- E-Learning nghĩa là việc học tập hay đào tạo được chuẩn bị, truyền tải hoặc quản lý sử dụng nhiều công cụ của công nghệ thông tin, truyền thông khác nhau và được thực hiện ở mức cục bộ hay toàn cục ( MASIE Center).

- Việc học tập được truyền tải hoặc hỗ trợ qua công nghệ điện tử. Việc truyền tải qua nhiều kĩ thuật khác nhau như Internet, TV, video tape, các hệ thống giảng dạy thông minh, và việc đào tạo dựa trên máy tính (CBT) (Sun Microsystems, Inc).

- Việc truyền tải các hoạt động, quá trình, và sự kiện đào tạo và học tập thông qua các phương tiện điện tử như Internet, intranet, extranet, CD-ROM, video tape, DVD, TV, các thiết bị cá nhân... ( E-learningsite).

- "Việc sử dụng công nghệ để tạo ra, đưa các dữ liệu có giá trị, thông tin, học tập và kiến thức với mục đích nâng cao hoạt động của tổ chức và phát triển khả năng cá nhân." (Định nghĩa của Lance Dublin, hướng tới E-learning trong doanh nghiệp).

2. Các đặc điểm chung của E-Learning

Tuy có nhiều định nghĩa khác nhau, nhưng nói chung E-Learning đều có những điểm chung sau :

Dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông. Cụ thể hơn là công nghệ mạng, kĩ thuật đồ họa, kĩ thuật mô phỏng, công nghệ tính toán…

E-Learning bổ sung rất tốt cho phương pháp học truyền thống do E-Learning có tính tương tác cao dựa trên multimedia, tạo điều kiện cho người học trao đổi thông tin dễ dàng hơn, cũng như đưa ra nội dung học tập phù hợp với khả năng và sở thích của từng người.

E-Learning sẽ trở thành xu thế tất yếu trong nền kinh tế tri thức. Hiện nay, E-Learning đang thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các nước trên thế giới với rất nhiều tổ chức, công ty hoạt động trong lĩnh vực E-Learning ra đời.

3. So sánh E-learning với các phương pháp học tập truyền thống

- Phương pháp học tập truyền thống

Trong phương pháp học tập truyền thống, việc dạy và học hoàn toàn phụ thuộc vào việc giảng dạy trực tiếp giữa thầy và trò. Với hình thức giảng dạy này, nội dung giảng dạy là các kiến thức cơ sở có trong sách vở hoặc giáo viên truyền đạt dựa vào kinh nghiệm bản thân. Giáo viên là trung tâm của các hoạt động học tập và là người trực tiếp truyền đạt kiến thức.

Ở phương pháp này, giáo viên là người trực tiếp quản lý lớp học, tất cả các hoạt động liên quan đến lớp học đều do giáo viên chủ trì. Học sinh nghe giáo viên giảng bài và làm bài tập dưới sự hướng dẫn của giáo viên, vì thế, phương pháp học tập của học sinh là thụ động.

Hiện nay, phương pháp học tập truyền thống cũng đã có nhiều thay đổi. Học sinh trở thành trung tâm của quá trình dạy học. Học tập theo hướng gợi mở, giáo viên đặt các câu hỏi gợi ý về những vấn đề trong bài giảng để học sinh trả lời các câu hỏi mở rộng này. Nhờ đó, học sinh tham gia học tập một cách chủ động hơn, giờ học trở nên sinh động và lý thú. Tuy nhiên với thời gian hạn chế trên lớp giáo viên khó đáp ứng được hết nội dung học với rất nhiều học sinh có khả năng tiếp cận khác nhau.

- Phương pháp học E-learning

E-Learning đang phát triển mạnh mẽ và được coi là phương thức đào tạo cho tương lai. Có được điều đó là do nó thể hiện được nhiều những ưu điểm quan trọng. Những đặc điểm nổi bật của E-Learning so với đào tạo truyền thống được liệt kê ở dưới đây:

- Mở rộng phạm vi giảng dạy: Tổ chức lớp học trong các phòng học hay tại các trung tâm đào tạo bị hạn chế bởi hai yếu tố: không gian và địa điểm. Số lượng người học trong một phòng học nhất định bị giới hạn bởi sức chứa của phòng học đó. Trong khi đó, với e-learning, số người học của mỗi chương trình đào tạo sẽ tăng lên đáng kể. Nhiều người có thể tham gia học mà không cần phải tập trung về một địa điểm mà có thể tham gia các chương trình đào tạo qua mạng Internet hoặc có thể học tập và nghe giảng một cách thoải mái ngay tại nhà riêng của mình.

- Giảng dạy tập trung: Không giống như những lớp học truyền thống, nơi chỉ một người dạy duy nhất sẽ chịu trách nhiệm dạy cho một nhóm lớn các học sinh từ khoảng 20 đến 40 người. Học online với e-learning thường có tỷ lệ một giáo viên – một học sinh.

Trong hệ thống đào tạo trực tuyến, học sinh được dạy học thông qua một chương trình giảng dạy mô phỏng. Có nghĩa là, nếu học sinh không hiểu về một vấn đề nào đó thì vẫn có thể dễ dàng xem lại bài học của mình chỉ bằng một cú nhấp chuột đơn giản.

- Tiết kiệm thời gian và tiền bạc: Người học trực tuyến sẽ tiết kiệm được cả thời gian và tiền bạc vì trường học của họ sẽ ở ngay trước màn hình máy tính. Không giống như trong các khóa học trong các cơ sở đào tạo, học sinh của E-learning sẽ tiết kiệm thời gian đi lại và tiết kiệm tiền cho các khoản chi phí cho sách giáo khoa, sách hướng dẫn, và các học liệu khác.

- Tự định hướng: Vì là khóa học trực tuyến trong một số dịch vụ, người học có thể tự định hướng cho mình, bằng cách chọn khóa học phù hợp nhất đối với trình độ, sở thích, mục tiêu của bản thân.

- Tự điều chỉnh: Với học trực tuyến, người học có thể tự điều chỉnh nhịp điệu khóa học cho mình, nghĩa là người học có thể học từ từ hay nhanh do thời gian mình tự sắp xếp hay do khả năng tiếp thu kiến thức của mình.

- Tính linh hoạt: Tính linh hoạt của một khóa học trực tuyến là rõ ràng bởi vì bản chất của Internet, nền tảng của công nghệ cho việc học trực tuyến là linh hoạt. Từ khi đăng ký học đến lúc hoàn thiện người học có thể học theo thời gian biểu mình định ra. Không bị gò bó bởi thời gian và không gian lớp học dù bạn vẫn đang ở trong lớp học “ảo”. Tính linh hoạt còn thể hiện ở “tự định hướng” và “tự điều chỉnh” như trình bày ở phần trên...

4. Kết luận

Thực tế, cả hai phương pháp học online hay truyền thống đều có những lợi ích cho người học. Tại sao không kết hợp những tính năng và ưu điểm tuyệt vời nhất của hai phương pháp trên lại với nhau để mang lại tiện ích tốt nhất và truyền cảm hứng cho người học.

Vì thế, nhiều nhà cung cấp giáo dục hiện nay ngày càng sáng tạo hơn và tạo ra khái niệm giáo dục kết hợp (blended education). Phương pháp này kết hợp giữa công nghệ và kiến thực trực tuyến trao tay, cùng với hỗ trợ truyền thống từ con người cho phép người học tiếp cận được những kiến thức mới nhất, thời sự nhất, chất lượng nhất, đồ sộ nhất mà không phải chi rất nhiều tiền hay tích góp hàng chồng sách giáo khoa bụi bặm. Phương pháp này cũng cho phép người dạy và người học chọn lựa nhau, tiếp cận nhau dễ dàng hơn mà không bị ngăn cản bởi vị trí địa lý.

 

KHOA CNTT


DKTS

Cán bộ tư vấn

Mr. Hạnh 0982.790924
Mr. Bình 0989.465017
Mr. Giao 0374.815299
Mr. Bằng 0988.265268
Mr. Hải 0963.892678
Mrs. Thúy 0988.384555
Mr. Thọ 0972 141 081
Mrs. Yến 0982.628428
Mss. Dương 0977.631986
Mss. Phương 0348.671196

Lượt truy cập

1440693

      Trang web hiện có: 92 khách

Liên kết web

banner gdnn  

so lao dongthuong binh va xa hoi tinh vinh phuc 20170715